Tiệm sửa xe Vũ

Tiệm nằm trên đường lớn, gần Uỷ ban xã, diện tích đâu chừng 8×6 mét, bên trong bày biện phụ tùng các loại, phía ngoài là khoảng sân rộng để sửa xe. Thật ra tiệm chỉ là mái che thêm bên ngoài căn nhà rộng, có phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp và một mảnh sân vườn. 

Từ nhà mẹ đi bộ trên con hẻm bê tông ra tiệm khoảng 300 mét. Vũ, con rể mẹ và là anh em cột chèo với tôi thuê căn nhà ấy cũng được 6 năm vừa làm tiệm sửa xe vừa để ở. 

Trước khi tốt nghiệp khoá học sửa xe, Vũ từng là thợ cơ khí. Điều này cộng với sự khéo tay, Vũ đã chế tạo ra được nhiều loại máy móc phục vụ nghề. 

Ngoài dụng cụ cầm tay như bộ đồ nghề (mỏ lết, cờ lê, tuýp, lục giác…) Vũ còn sắm nhiều máy móc như máy nén khí, máy tháo vỏ, máy sạc bình, máy hàn…Điều đáng nói nhất là Vũ còn nghiên cứu chế tạo ra nhiều loại vật tư phục vụ nghề như bàn ép chảng- ba, bàn banh lốp vá vỏ, bàn ép mâm, bàn rút căm…mà nếu mua thì sẽ tốn rất nhiều tiền. 

Tiếng lành đồn xa, khách của tiệm ban đầu chỉ là người quen hoặc những xe lỡ hư dọc đường, nhưng dần dần có thêm nhiều khách vãng lai và những khách vì bất mãn một tiệm nào đó mà tìm đến. Người ta ngày càng thích anh thợ hiền lành chân thật và hài lòng về chất lượng sửa xe. Về giá cả, khỏi phải nói là “rẻ nhất vùng”. Nhiều năm trước, bơm xe đạp, chủ yếu là cho các em học sinh Vũ toàn miễn phí. Về sau này có một số “khách nhí “ không biết lễ nghĩa nên Vũ bực mình, lấy tiền hết.

Có bữa ăn cơm nhà mẹ, thấy Vũ phờ phạc quá nên tôi hỏi:

  • Bữa nay nhiều xe quá hả em?

Vũ nở nụ cười mệt mỏi, sẵn vợ tôi vừa bưng tô canh lên nên pha trò:

  • Em không ăn hành đâu nhà. Sáng giờ bị hành đã đời rồi.

Rồi Vũ quay sang tôi:

  • Bữa nay ế. Sửa 3 chiếc mà toàn “ca khó” hành em cả ngày. 

Vũ là vậy, ít khi chịu thua “ca bệnh” nào. Có hôm làm đến 11 giờ đêm mới xong. 

Ông chủ tiệm kiêm thợ sửa xe rất chịu đầu tư, mua đầy đủ các loại phụ tùng thay thế như vỏ ruột xe, sên nhông dĩa, dầu nhớt, dây thắng…Nhiều khách nghèo, phải thay một món đồ cho xe là cả một vấn đề, Vũ cho họ nhiều phương án lựa chọn. Một là lấy loại phụ tùng rẻ nhất, hai là sửa tạm để đi chờ lúc có tiền thì thay, ba là nếu được thì “chế” đồ lại. 

Anh chủ tiệm nhìn bề ngoài có vẻ khô khan nhưng rất “nghệ sĩ”. Mấy năm gần đây Vũ chơi lan, có cả một vườn lan nhỏ phía sau vườn. Dạo này lan nở hoa nhiều, nhiều loại ngát hương thơm. Lúc đầu Vũ đi rừng lấy về hoặc được bạn chơi lan cho, sau Vũ đặt mua trên mạng, hàng ship từ các tỉnh phía Bắc vào. Mỗi cuối tuần tôi về nhà mẹ chơi, lần nào Vũ cũng rủ sáng sớm ra tiệm uống trà. Hai anh em thừa lúc vắng khách ngồi tám đủ chuyện trên đời. Lắm lúc có khách sớm, Vũ sửa xe, tôi ngồi online, thỉnh thoảng trao đổi với nhau vài câu, có lúc pha trò khiến khách vui lên cùng góp chuyện. 

Trước khi ra tiệm này, Vũ mở tiệm cách đó vài cây số, nhưng bất tiện về chỗ ăn ở nên đành dời đi. 

Sửa xe gặp nhiều ca khó làm thành thói quen, nhận xe mới Vũ cứ nghĩ theo chiều hướng “khó” khiến đôi lúc gặp chuyện “cười ra nước mắt”. Như có chiếc xe máy nọ đề hoài không nổ, Vũ nghi bị IC hoặc mobil sườn, tháo ra sửa, cuối cùng chỉ là do bugi.

Như đã nói, nghề sửa xe chủ yếu thiên về kỹ thuật, nhưng muốn đắt khách cần phải có nghệ thuật. Đó chính là phong cách người thợ, người chủ thể hiện khi chăm sóc khách hàng. Mặc dù không tuyên bố nhưng sửa chiếc nào Vũ bảo hành chiếc đó. Có khi chỉ làm sai một chi tiết, khách đi rồi mới nghĩ ra khiến Vũ phân tâm cả buổi. 

Tuy mặt bằng kinh doanh không được lý tưởng lắm nhưng tiệm sửa xe Vũ cũng đã hoạt động hơn sáu năm, khách hàng ổn định. Nghề sửa xe có tính cạnh tranh rất cao nên cần người thợ giỏi, phong cách phục vụ tốt, thật thà mới có thể tồn tại với nghề. Người thợ cần nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật thông tin. Những yếu tố đó, Vũ có đủ. 

(23/5/2020)

1 bình luận

Gửi bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s