Ba mươi mấy năm đi làm phim, trải qua nhiều vùng miền của đất nước, có lẽ vì vậy nên vào tuổi này tôi không còn thiết tha gì đến chuyện đi du lịch. Mà thật ra còn rất nhiều nơi tôi chưa hề đặt chân đến, như Hà nội chẳng hạn. Có hai cơ hội cho tôi đi viếng lăng Bác nhưng đều bỏ lỡ. Hà nội lãng mạn mùa hoa sữa. Hà nội mùa thu và những gánh cốm xanh thơm bước chân qua. Hà nội phố cổ 36 phố phường cùng bài vè nổi tiếng:
“Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai;
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay,
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy,
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang,
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng,
Hàng Muối, Hàng Nón, cầu Đông,
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè,
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
Quanh đi đến phố Hàng Da,
Trải xem Hàng phố, thật là cũng xinh.
Phố hoa thứ nhất Long Thành,
Phố dăng mắc cửi, đàn quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền”.
Đẹp quá. Cổ kính quá. Bốn mùa lãng mạn thơ ca. Thế mà không hiểu sao tôi chưa từng có phút giây nào hoài vọng. Thời tuổi trẻ đã qua rất lâu, giờ đây chỉ an yên một chỗ mặc cho trí tưởng tượng vẫy vùng.
Có thật nhiều những bài hát viết về Hà nội, giai điệu từ bi hùng đến lãng mạn, từ thời chiến đến lúc dựng xây. Thế hệ của tôi tiếp cận với dòng nhạc trữ tình, chan hòa, lâng lâng biết bao cảm xúc. Em Ơi Hà Nội Phố. Nhớ Mùa Thu Hà Nội. Hà Nội Ngày Trở Về…Từng lời, từng nốt nhạc xao xuyến, bâng khuâng. Tôi yêu Trịnh Công Sơn, thích Phú Quang, Phạm Minh Tuấn…những người nhạc sĩ tài hoa đã mang tôi đến gần Hà nội.
Tôi yêu thơ Vũ Quần Phương, một nhà thơ Hà nội. Ông là một trong những người có sáng kiến tổ chức Ngày thơ Việt Nam hằng năm. Trong câu chuyện của mình, ông thường kể về Hà nội xưa:
“Hà Nội là quê mẹ tôi. Tôi ra đời và lớn lên, già đi ở đất này. Cảnh phố xá, nếp sinh hoạt Hà Nội đã thành nền tảng cho kí ức, đã nhập vào hồn vía vào tâm trí tôi. Vài mươi năm nay mừng vì nơi ăn, nơi ở bà con ta được cải thiện, nhiều chỗ ngang mức các thành phố tiên tiến trên thế giới, nhưng trong lòng lại có gì ngơ ngác, thấm thía buồn như người bị mất quá khứ. Nhiều nỗi nhớ trong lòng không còn nơi bấu víu ngoài đời. Hà Nội mất đi nhiều quá những dấu tích của Thăng Long, của Hà Nội cũ”
Những người lớn tuổi thường sống nhiều với hoài niệm, còn lớp trẻ thì hừng hực trong không gian mới. Đó là qui luật. Nhưng Hà nội bao giờ cũng bảo tồn, nâng cấp những kiến trúc xưa đã đi vào sách Kỷ lục Guinness của thế giới. Đó cũng là qui luật. Âm nhạc thời gian gần đây sa vào lòng lẩn quẩn của tình yêu đôi lứa, không thấy có bài hát trữ tình nào dành riêng cho Hà nội. Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa. Hà Nội Mùa Thu. Hà Nội Mùa Ký Ức…Thơ về Hà nội, không hiểu sao đa số toàn sáo rỗng, lâu lắm mới đọc được một bài hay trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và tuần báo Văn Nghệ. Phim truyện và tài liệu càng ít thấy. Nhớ “Hà Nội Trong Mắt Ai”, phim tài liệu của đạo diễn Trần văn Thủy, cho đến nay vẫn được coi là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc lấy đề tài về Hà Nội.
Search Google tìm thấy câu này mà không biết tác giả là ai: “Nơi đẹp nhất là nơi chúng ta chưa từng đi qua. Khoảng thời gian đẹp nhất là khoảng thời gian không thể quay trở lại”. Hình như có gì đó thấy đung đúng, hoặc tôi đang tự biện hộ cho mình về việc đã quá nửa đời người rồi mà chưa một lần ra thăm Hà nội.
Trong bài thơ Hành Trình, Vũ Quần Phương sáng tác mấy câu dù không liên quan đến bài viết này nhưng tôi lại cảm thấy ít nhiều gần gũi:
“Tóc xanh, tóc bạc không xanh lại
Thì cứ hồn căng với gió mây
Cứ đỏ mầu sông, xanh sắc núi
Cứ thâm u như cánh rừng dày”…
(01_03_2021)