Nói đến “Bố Già”, những khán giả của thập niên 70 nghĩ ngay đến “The Godfather” là một bộ phim hình sự sản xuất năm 1972 của Mỹ, có dàn diễn viên hùng hậu nhất trong lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ, với bốn diễn viên chính là Marlon Brando, Al Pacino, Robert Duvall và Diane Keaton đều từng dành giải Oscar cho diễn viên chính xuất sắc nhất.
Nhưng không phải. “Bố Già” của Việt Nam là phiên bản điện ảnh của seri phim web-drama 4 tập cùng tên của Trấn Thành, diễn viên, đạo diễn kiêm nhà sản xuất vừa cho ra rạp và ngay lập tức tạo ra “kỳ tích phòng vé”.

“Bố Già” – phim điện ảnh của Trấn Thành được công chiếu ngay khi tình hình dịch bệnh vừa tạm lắng, cạnh tranh với phim bom tấn “Raya và rồng thần cuối cùng” – một bộ phim do Walt Disney Pictures và Walt Disney Animation Studios sản xuất. “Bố Già” thắng lớn, là phim Việt đầu tiên có doanh thu bán vé 3 ngày đầu lọt vào top 3 thế giới, chỉ sau hai phim của Trung Quốc (Xin chào, Lý Hoán Anh) và Mỹ (Raya và rồng thần cuối cùng). Đây là số liệu của Box Office Mojo, trang thống kê phòng vé quốc tế. Đến sáng ngày 14-3, “Bố Già” vượt mốc doanh thu 200 tỉ đồng, vượt “Cua lại vợ bầu” để trở thành phim Việt có doanh thu nội địa cao nhất từ trước đến nay.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, Trấn Thành bày tỏ: “Tôi xúc động quá không biết nói gì hơn. Được quý vị thương như vậy là niềm hạnh phúc vô bờ bến của tôi”. Hệ thống rạp chiếu phim Việt Nam đang suy yếu sau Covid-19 đã kịp hồi sinh nhờ hiện tượng “Bố Già”.
“Bố Già” lập kỷ lục phòng vé có phải một may mắn lớn của Trấn Thành?
Tôi nghĩ nếu không bị hoãn chiếu trước đó, “Bố Già” khó thắng lớn như hiện tại, vì trước hết, khán giả còn ngại dịch bệnh, sẽ không đủ đông để gây nên cơn sốt phòng vé. Khi Covid-19 ở Việt Nam đã nằm trong tầm kiểm soát, có quá nhiều thời gian dành cho “Bố Già” để “làm mưa làm gió” trên thị trường phim chiếu rạp, liên tục ngày và đêm, nhiều xuất khi tan, khán giả ra về lúc trời đã về khuya. Ra về với giọt nước mắt còn chưa kịp khô trên má.
Phải, “Bố Già” đã chạm tới trái tim người xem, động vào lòng trắc ẩn, khơi gợi tình cha con muôn thuở. Kịch bản như kể lại cuộc đời của Trấn Thành. Anh bảo: “Xin lỗi cha là điều tôi chưa làm được, nên tôi mới lấy bộ phim ra để làm điều đó”. Anh kể: “Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, cha tôi mua cho tôi một đôi dép xấu khủng khiếp. Đến bây giờ nhớ lại, nó vẫn là một đôi dép rất xấu. Cha bắt tôi mang vì nó rất bền. Tôi giận cha, không chịu mang.
Cha rất buồn tôi, ông nói: Mày chưa kiếm được đồng nào mà cư xử như vậy thì tệ quá. Ông không nói chuyện với tôi nữa và tôi cũng không thèm nói chuyện lại. Con nít mà. Một tháng trôi qua, đến lúc tôi cần đóng học phí. Không xin tiền cha thì làm sao đóng? Tôi xin mẹ nhưng mẹ không cho, bắt tôi phải nói chuyện với cha. Lúc đó tôi lì, lì không thể tưởng tượng nổi. Tôi đứng trước mặt cha, nhìn mặt ổng một hồi lâu. Đến khi tôi bật ra được tiếng “xin lỗi”, hai cha con cùng khóc”.

Trấn Thành là một diễn viên có tài bẩm sinh. Tôi từng xem qua những vở kịch hài ngắn từ lúc anh mới tập tễnh vào nghề đã nhận ra được lối diễn tự nhiên, chân thật, không màu mè, không cường điệu. Từ tròn vai, Trấn Thành đã nhanh chóng thành công, trở thành cây hài ăn khách.
Nhưng “Bố Già” lại theo một phong cách khác hẳn, hoàn toàn thoát khỏi yếu tố hài kịch, vì điện ảnh bao hàm những câu chuyện đời thường, ngay cả phim ma, phim kinh dị cũng ít nhiều gắn bó với khung cảnh có thật.
Tuy bộ phim còn nặng tính chất dài dòng kể lễ nhưng chỉ cần trong một vài cảnh đắc địa, Trấn Thành đã đạt mong muốn lấy được nước mắt khán giả, điều mà nhiều bộ phim về chủ đề gia đình chưa làm được, đã là một thành công lớn. Đây cũng chính là yếu tố hấp dẫn của bộ phim.
Với 4 tập web-drama ra mắt từ đầu năm 2020, đến thời điểm này, trung bình mỗi tập phim của “Bố Già” đều đạt trên 20 triệu lượt xem. Bên cạnh dàn diễn viên tài năng, với câu chuyện phim gần gũi, cảm động, hài hước đã làm nên một Trấn Thành khác hẳn với hình tượng một danh hài. Tuy vậy, cái kết của tác phẩm lại gây ra tranh cãi vì nhiều khán giả cho rằng nó chưa thực sự hợp lý và còn thiếu cao trào. Còn “Bố Già” phiên bản điện ảnh thì sao? Tính đến thời điểm hiện tại, “Bố Già” đã cán mức doanh thu 200 tỷ chỉ sau 5 ngày công chiếu.
Thành công kỳ diệu của “Bố Già”, điều tôi muốn nói sau cùng chính là “cái tâm” của Trấn Thành thể hiện qua từng khung hình, lời thoại. Tôi chợt nhớ, khi kết thúc truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết:
“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.
(17/3/2021)