Ca dao là những câu thơ dân gian được truyền miệng từ đời này sang đời khác, từ xưa đến nay, do ông bà ta để lại. Phần lớn nội dung ca dao phản ánh tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình và các mối quan hệ khác trong xã hội. Đặc trưng của thể loại này là ngắn gọn, cô đọng, súc tích, có quy luật vần điệu, dễ nhớ, thường là theo thể thơ lục bát. Ca dao đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi, tránh xa cái ác, cái xấu, hướng đến các giá trị đạo đức tốt đẹp.
• Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
• Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần
• Chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo
• Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao Mai
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
• Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi
Mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông
Không sao kể hết những câu ca dao phổ biến trong dân gian. Ngày nay còn thêm những câu ca dao thời hiện đại:
• Chua lắm thì cũng bằng chanh
Làm trai ai chẳng sở khanh đôi lần
• Sinh viên mà chẳng làm thêm
Thế nào cũng mắc chứng viêm túi quần
• Chồng người áo gấm xông hương
Chồng em áo rách, em thương… chồng người
• Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà phun thuốc trừ sâu
• Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời công chức có lương đủ xài?
• Làm trai cho đáng nên trai
Đi đâu cũng có chân dài bám theo
Tuy nhiên những câu ca dao hiện đại này chỉ có “hiệu lực” giai đoạn, khó thể “lưu truyền hậu thế”.
Tối qua ăn cơm, trong câu chuyện vợ tôi nhắc:
• Bởi vậy hồi trước bố thường có câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.
Tôi đùa:
• Ủa, câu này ông bà mình nói mà, đâu phải của bố.
Vợ thật thà:
• Thì nói vậy đó mà.
Dự tiệc đám giỗ nhà bạn, tôi khen:
• Chà, bày biện gọn gàng, tươm tất quá.
Bạn tôi hài lòng, cười đáp:
• Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm mà.
• Ủa, câu này của ai vậy ta?
• Ông không biết thiệt hay làm bộ vậy? Ca dao tục ngữ đó chứ của ai.
Tôi cười hà hà.
Thì ra trong câu chuyện hàng ngày người ta vẫn thường sử dụng ca dao, tục ngữ để chứng minh cho lời nói, chứng tỏ những câu có vẻ như minh họa ấy đã ăn sâu bám rễ vào tâm trí mọi người.
Thời còn đi học, thầy dạy toán của tôi lại là người rất thích dẫn chứng bằng ca dao. Thầy hay dạy học trò tôn sư trọng đạo. Một hôm thầy hỏi chúng tôi:
• Các em biết trong kho tàng ca dao tục ngữ thầy thích nhất là câu gì không?
Có bạn đáp:
• Dạ, “không thầy đố mày làm nên”.
Bạn khác:
• Muốn sang thì bắc…bắc cái gì đó…
Muốn giỏi chữ thì…thì phải thương yêu cô thầy.
Thầy búng tay cái “tách”:
• Chính là câu này. “Muốn sang thì bắc cầu Kiều / Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”. À, nhân câu “Không thầy đố mầy làm nên”, các em có muốn nghe một câu chuyện tiếu lâm không?
Cả lớp nhao nhao:
• Dạ muốn!
Thầy thủng thẳng kể:
• Trong tiết học, thầy giáo viết lên bảng câu ca dao “Không thầy đố mầy làm nên” nhưng đảo lộn lung tung: “Nên thầy làm đố không mầy” rồi đố học trò:
• Đây là một câu ca dao nhưng thầy cố tình đảo thứ tự các từ. Em nào có thể sắp xếp lại thành câu nguyên mẫu?
Học trò trố mắt nhìn lên bảng, đầu óc xoay chuyển, tính toán. Bỗng có một cánh tay đưa lên:
• Thưa thầy, em biết.
Thầy giáo vui vẻ:
• Em nói đi.
• Dạ thưa thầy, đó là câu “Làm thầy mầy không nên đố “.
(21/3/2021)