Từ lâu TP. HCM đã trở thành điểm đến thu hút nguồn lao động lớn nhất cả nước. Nhu cầu tìm việc làm ở TPHCM luôn thuộc top cao, với thị trường đa ngành, đa dạng. Dân số thành phố tính đến năm 2019 là hơn 9 triệu người, chiếm mật độ cao nhất Việt Nam.
Thời nay, không có gì dễ dàng hơn chuyện tìm việc làm và, cũng chính vì vậy, đây là môi trường tồn tại nhiều tiêu cực nhất. Kinh tế phát triển đồng nghĩa với sự ra đời của nhiều doanh nghiệp tư nhân. Nhiều công ty lớn nước ngoài cũng đổ xô vào Việt Nam, tạo ra một thị trường cạnh tranh sôi động. Các công ty trong nước từ lớn tới vừa cũng hình thành đa dạng, đủ ngành nghề. Nhu cầu tuyển dụng lao động ngày càng trở nên cấp bách.
Vào cổ máy tìm kiếm Google, chỉ cần gõ hai từ “tìm việc” là cho ra hàng trăm kết quả của các trang mạng, công ty trung gian, các công ty lớn nhỏ liên quan đến tìm việc làm. Có những đơn vị uy tín, tồn tại mười mấy năm, đáp ứng hiệu quả nhu cầu người lao động tìm việc, đồng thời cũng có nhiều trang web lừa đảo. Thực tế bên ngoài, các địa điểm trung gian tuyển dụng cũng mọc lên nhan nhản, chủ yếu là thu lệ phí tìm việc, nhưng có nơi còn can thiệp, quản lý cả tiền lương người đăng ký.
Ngày nay, công nhân đi làm thường thích tăng ca để kiếm thêm thu nhập chứ đồng lương cơ bản không đủ sống. Họ có thể làm hơn 12 tiếng mỗi ngày, có người chuyên ca đêm, ban ngày về ngủ chiều lại đi làm tiếp. Công ty nào bỏ tăng ca thì họ cũng bỏ việc tìm nơi khác.
Công việc ngày càng được tự động hóa, máy móc là chính còn con người chỉ cần làm trong dây chuyền với những thao tác đơn giản, người cũ dạy người mới chừng vài tiếng là có thể làm được ngay.
Điều kiện tuyển dụng công nhân của các công ty cũng đơn giản, làm nhân viên sản xuất chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông. Có nhiều bạn trẻ đang theo học đại học vẫn đăng ký làm thêm dạng hợp đồng thời vụ để đỡ gánh nặng cho gia đình. Một số bạn khác làm chính thức luôn, nếu giỏi việc cũng có thể tiến thân, lên làm sếp.
Dịp tết vừa rồi công ty vợ tôi có nhu cầu “khủng” về lao động do công nhân nghỉ tết nhiều, rốt cuộc vẫn tuyển được hợp đồng ngắn hạn để không bị gián đoạn sản xuất. Vợ tôi cũng đăng ký làm “xuyên tết” vì không muốn về quê. Sợ Covid.
Thời buổi bây giờ “nhảy việc” là chuyện xảy ra như cơm bữa, tức là “hiện tượng người lao động thôi việc hiện tại để chuyển sang một công việc mới mang lại nhiều giá trị thích hợp cho bản thân hơn. Đó có thể là giá trị về vật chất như mức lương, thưởng song cũng có những người mong muốn giá trị về tinh thần như các chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc thoải mái hơn, ít gò bó hay một công việc có lộ trình thăng tiến rõ ràng”. “Nhảy việc hiện là một văn hóa kinh điển của thế hệ trẻ và hiện tượng này thường bùng nổ ngay sau Tết khiến các doanh nghiệp đau đầu”.
Hồi mấy năm trước, cô em vợ tôi ở quê lên Sài Gòn tìm việc làm thời vụ, vậy mà cũng đã “kinh qua” gần 10 công ty. Chỗ này thấy không ổn là lập tức xin làm chỗ khác. Vợ tôi ngày xưa cũng trải qua nhiều nơi, hơn 10 năm nay mới gắn bó với công ty hiện tại. “Nhảy việc” cũng có văn hóa của nó. Nhiều bạn trẻ không nghỉ ngang mà làm hẳn một lá đơn kèm theo lý do xin nghỉ việc và còn biết gởi lời cám ơn đến sếp và đồng nghiệp cũ bằng thái độ chân thành, thân thiện.
Đi một vòng qua Khu công nghệ cao quận 9 vào sáng sớm rất dễ nhận ra công ty nào đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Đó là sự tập trung đông người trước cổng công ty với những xấp hồ sơ trên tay, những nụ cười hay khuôn mặt lo lắng, những câu chuyện xôn xao bàn tán. Người dự tuyển khá đông khiến công ty phải huy động cả nhân viên cũ đang làm để làm người phỏng vấn.
Bắt kịp thời đại, nhiều công đoàn cũng dần lớn mạnh, chăm lo được đời sống tinh thần và vật chất của công nhân. Nhiều công ty có cả hàng ngàn nhân viên nhưng công đoàn vẫn tổ chức được chuyến du lịch hàng năm cho người lao động rất chu đáo, tranh đấu phúc lợi, ưu đãi nghề nghiệp cho tất cả. Đó một phần cũng do người lãnh đạo có tầm và có tâm.
Nhưng nổi cộm hơn tất cả, một vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của công ty chính là tăng lương. Tăng lương là một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong việc giữ chân người lao động. Pháp luật hiện hành không quy định về việc tăng lương định kỳ cho người lao động. Do đó, có thể hiểu, doanh nghiệp được quyền tự quyết định về việc bao lâu tăng lương cho người lao động một lần. Việc tăng lương do doanh nghiệp quyết định trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Một số công ty quyết định tăng lương, dù không đáng bao nhiêu nhưng vẫn là đòn bẩy kinh tế. Một số khác ì ạch, làm theo những qui định mới của Nhà nước nhưng khá chậm chạp, có nơi còn bị công nhân đình công phản đối. Các công ty lớn thì có vẻ linh động hơn nhưng nhìn chung mặt bằng lương bổng còn thấp, chưa phù hợp với cuộc sống người lao động.
Tìm việc làm, “chuyện thường ngày ở huyện”, đi đâu cũng nghe nói nhiều, bàn tán nhiều. Các bạn trẻ còn lập ra trang Facebook để hỗ trợ nhau tìm những chỗ làm như ý, comment, thảo luận, góp ý, cho đăng tin tìm việc, các diễn đàn cũng lắm phần sôi động.
Nghe được trên chuyến xe buýt:
• Chị đi đâu mà ôm xấp hồ sơ dày cộm vậy?
• Em đi phỏng vấn xin việc. Nạp ở nhiều nơi lắm.
• Trùng hợp vậy? Nay em đi phỏng vấn ở công ty X nè.
• Công ty đó trả lương cao không chị?
• Cũng được lắm. Bạn em giới thiệu. Có tăng ca nhiều nên thu nhập cũng đỡ.
• Vậy em theo chị nạp đơn luôn. Gần đây không chị?
• Cũng gần. Sắp đến rồi. Hy vọng mình sẽ được làm chung.
• Dạ. Cám ơn chị trước nhé.
Xã hội phát triển, nhiều ngành nghề mới ra đời khiến việc làm ngày một đa dạng, chả bù với thời của tôi ngày xưa, làm nghề nào chỉ một nghề, không thể làm thêm. Giờ đây người ta có thể tìm một công việc nào đó thích hợp để làm thêm ngoài chỗ làm chính thức, tận dụng quỹ thời gian tối đa của một ngày nhằm tăng thêm thu nhập. Nếu công ty đồng ý trả tiền, họ sẵn sàng làm luôn những ngày phép, không nghỉ. Tuy vậy, nếu không nhằm thời vụ, các công ty thường khuyến khích nghỉ phép, không chịu nghỉ coi như mất. Tôi có người bạn trẻ, mấy năm trước thường làm luôn không nghỉ phép vì được công ty bồi dưỡng thêm. Năm nay không còn chế độ đó nữa nên “phải nghỉ phép”. Người bạn than thở:
• Đi làm riết quen, nghỉ ở nhà chẳng biết làm gì. Chán.
Một người bạn khác làm việc năng nổ, hiệu quả được công ty cho đi nước ngoài học để nâng cao trình độ chuyên môn. Cậu ta hào hứng kể:
• Hai năm trước em mà nhảy việc thì giờ không biết sẽ thế nào. Thật là may mắn.
• Thật ra “được này mất kia”. Có người sang làm công ty mới lại được trọng dụng, tiến thân nhanh chóng. Có người ra đi, rốt cuộc lại trở về công ty cũ. Chuyện của em không phải thuộc dạng “phước chủ may thầy” mà chính là do em quyết định, bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ và lòng trung thành với công ty.
• Anh nói đúng. Tốt hay xấu gì cũng do mình. Khi môi trường không phù hợp, công việc không như kỳ vọng và thu nhập không tương xứng thì lúc đó mới nên nghỉ đến chuyện nhảy việc.
• “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc”- Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Câu này của ai quên rồi ta?
• Của Nguyễn Công Trứ đó anh, một nhà chính trị, nhà quân sự và nhà thơ thời…nhà Nguyễn.
(29/3/2021)