Chị là người thuê phòng trọ đầu tiên lúc mới mở của khu này. Người ta đến rồi đi biết bao nhiêu lượt rồi, chỉ có chị là bám trụ ở lại từ lúc còn độc thân đến giờ đã có được mặt con 2 tuổi, là bé gái, cũng nhỏ con giống mẹ. Ba nó làm lái xe tải chở hàng, có khi đi hai ba bữa mới về. Chị bán xôi ngoài phố, sáng bế con ra cho ngồi xe nôi, bán từ 6 giờ đến gần 8 giờ là hết.
Chị ở khu trọ, hầu như quen hết các phòng vì tánh chị rất xởi lởi, hay giúp người khác, đúng như câu “tối lửa tắt đèn”. Có lúc thấy chị trông con cho người ta chạy việc đột xuất 20 phút, nửa tiếng. Có lúc cạo gió cho ai đó. Có khi phụ khiêng đồ đạc cho hộ mới dọn đến. Mà thường xuyên là quét lối đi, nhặt rác vương vãi. Nhìn chung ít khi thấy chị ở không.
Thật ra chị đã từng làm công nhân từ lúc chân ướt chân ráo dưới quê lên. Chị siêng lắm, tăng ca suốt nên thu nhập cũng khá, có tiền dành dụm gởi về cho ba mẹ. Hầu như chị không biết giải trí là gì. Lễ tết vẫn đi làm bình thường không nghỉ. Gần ba năm trước chị quen anh. Hai người tự động sống chung không hôn thú, không đám cưới.
Sau nghỉ thai sản, sức khỏe chị đột nhiên suy kém hẳn nên xin nghỉ công ty luôn. Mấy tháng nay chị “ra nghề” bán xôi buổi sáng ngoài đầu ngõ cho công nhân đi làm, mỗi gói chỉ có 10 ngàn. Có người mua 5k cho em bé chị vẫn bán.
Khu trọ có khoảng 50 phòng, lớn nhỏ khác nhau nên giá thuê cũng khác. Phòng vợ chồng chị diện tích lớn nhất, mấy năm nay ông chủ không lên giá, còn các phòng khác cứ một năm lên 100 ngàn.
Có người bàn, kêu chị mở tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà để bán cho bà con khu trọ. Chị thống nhất với chồng xong, hai vợ chồng rị mọ khuân về từ thùng mì gói, chục chai nước tương, nước mắm, đường, muối, thuốc lá, nước ngọt…Thấy gần bên, tiện lợi, nhiều người ghé mua. Nhưng chị vẫn bán xôi sáng, còn lại cả ngày dành cho tiệm tạp hóa.
Tánh chị vui vẻ, cởi mở nhưng rất cả nể. Nhiều người mua đồ thiếu tiền nhưng làm thinh không trả, có khi lại mua chịu tiếp. Lâu ngày chầy tháng, tiền vốn bị thâm thủng mà chị cũng không dám đòi. Có chị bạn ở cách vài phòng biết chuyện nên nghĩ ra được một cách giúp chị. Chị bạn tuyên bố đã “sang lại” tiệm tạp hóa và thuê chị bán. Sau đó chị bạn đi đòi nợ mấy con nợ dai như đĩa. Tất nhiên có lời qua tiếng lại nhưng chị bạn vốn là dân “chợ búa” nên dàn xếp được ngay. Từ đó người mua chịu nợ lâu giảm hẳn.
Con đĩa dai nhất là bà mẹ của cô công nhân kia ở quê lên giữ cháu. Bà mua đủ thứ, từ gói mì đến chai nước ngọt, từ thanh kẹo đậu phộng đến hủ yaourt…Tiền nợ lên đến gần 200 ngàn mà cứ nói “để dì kêu con gái nó trả”. Chị bạn sang phòng đòi tiền, bà tỏ vẻ bực mình, xẵng giọng:
● Cô sang tiệm thôi chứ có sang nợ đâu mà đòi.
● Ơ hay. Thiếu nợ thì trả đi chứ ý kiến ý cò gì nữa.
● Tôi có thiếu cô đâu.
● Vậy kêu chị ấy qua nhé…Chị ơi, sang đây…
● Thôi thôi, kêu réo làm gì. Để chiều con gái tôi đi làm về đã.
Quả nhiên chiều hôm đó bà mang tiền qua trả thật.
Mùa Covid vừa qua như kéo dài vô tận, chị nghỉ bán xôi. Anh thì chuyển qua chở hàng từ thiện. Tiệm tạp hóa của chị bán đắt lên hẳn, thường xuyên hết hàng. Ngày nào anh cũng phải châm hàng cho chị. Thứ gì lên giá chị không lấy tiếp mà chỉ mua những món có giá ổn định, như mì gói Hảo Hảo giá tăng vì khan hiếm, chị đổi qua mua mấy loại khác rẻ hơn.
Rồi công nhân phải vào công ty làm “ba tại chỗ”, số khác thì thất nghiệp phải về quê. Khu trọ vắng hẳn, chỉ còn khoảng hơn 10 hộ bám trụ. Tiệm tạp hóa của chị cũng chỉ bán cầm chừng.
Trải qua hai năm đại dịch, những người xung quanh chị ai cũng bảo vợ chồng chị là người “bất tử” trước Covid 19. Chị cũng không biết sao, nhưng có người nói có lẽ chị và ông xã đã bị dương tính rồi nhưng vì nhẹ nên đã lướt qua. Phước chủ may thầy, bé gái chắc cũng thế.
Khu nhà trọ nay đã kín phòng. Có người cũ thuê lại nhưng đa phần là khách mới. Nghe nói tiền phòng vẫn giữ giá cũ không tăng. Chị vẫn bán xôi và tạp hóa. Anh đã đi làm lại bình thường.
Những người hiểu chị, nhất là ông bà chủ nhà trọ thường bảo nhau rằng chị vốn ở hiền gặp lành. Đó cũng là một cách nói. Riêng chị, hiện tại không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ mong sao đứa con gái khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Dù sao chị vẫn còn mong ước đi làm lại.
(22/3/2022)