Những kẻ vô ơn

Charlotte Witvliet, đến từ trường Hope College (Mỹ) và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng lòng biết ơn là một phẩm chất có thể được nuôi dưỡng. Không ai sinh ra đã có sẵn lòng biết ơn, mà nó xuất phát từ sự giáo dục của gia đình, sự quan tâm dạy dỗ của người lớn. Dần dà, lòng biết ơn thấm vào tâm hồn trẻ thơ, chi phối lời nói, cử chỉ y như là bản ngã, thứ làm nên tính cách riêng biệt của mỗi người.
Môi trường và những người xung quanh luôn có sức ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển nhân cách, đạo đức của một người được xem là thành viên, tựa như “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tồn tại nơi đen tối, con người tất nhiên dễ tha hóa, biến chất, trở thành một kẻ vô ơn, sống mà không cần biết ơn nghĩa. Lòng ích kỷ, sự tham lam muốn thu tất cả lợi lộc về mình, tự xem mình là “cái rốn của vũ trụ”, bất mãn với sự từ chối giúp đỡ của người khác, có khi giận dữ, phẫn nộ là thuộc tính khó dời đổi của kẻ vô ơn. Họ như bị “mù” trước lòng tốt và thiện ý của người khác, coi như đó là việc hiển nhiên, không hề biết lấy tấm lòng để đáp lại tấm lòng, vừa mới được giúp hôm trước, hôm sau đã quên bẵng.
Những kẻ vô ơn, trước hết chính là những đứa con bất hiếu. Khi có được chút tiền tài, địa vị, họ sẵn sàng ruồng rẫy, từ chối trách nhiệm với cha mẹ già. Họ quên rằng chữ hiếu vốn là thước đo phẩm giá và đức hạnh của một con người. Đến công lao sinh thành dưỡng dục mà họ còn không thiết thì làm sao có thể cảm nhận được lòng tốt của người khác.
Những kẻ vô ơn như thế có được cuộc sống hạnh phúc không?
Tất nhiên là không.
Không ai có thể giúp mãi cho một kẻ chỉ biết tư lợi, khi cần thì năn nỉ, xuống nước thảm hại, khi được việc thì lơ là, không hề biết hồi đáp. “Sự bất quá tam”, ý nói phàm ở đời việc gì cũng không nên quá nhiều lần, tối đa chỉ 3 lần trở lại.
Tôi có một người bạn, quanh năm suốt tháng chỉ biết theo tôi uống cà phê mà chưa một lần trả tiền. Tôi lại xem đó là chuyện nhỏ, không quan tâm, nhưng những người bạn khác của tôi ai cũng nói. Cho đến một hôm tôi cần gấp một số tiền, chính là tháng lương vừa mới lĩnh để đưa cho vợ, vì lúc ban chiều đưa em trai đi cấp cứu phải chi mất, mai khỏe lại nó sẽ trả. Biết người bạn ấy đang xây nhà, trong túi lúc nào cũng có tiền xoay trở, nên tôi mượn tạm. Không ngờ anh ta bảo “Tiền được xếp thành cọc hết, tiền nào ra tiền đó. Tiền mua vật liệu. Tiền công thợ. Không thể lấy ra được”.
Đi làm bộ phim kia, quay Đà Lạt, có cậu nhân viên nọ sáng nào cũng theo nhóm chúng tôi vô chợ ăn mà không hề trả tiền. Một anh bạn của tôi bảo nó: “Muốn ăn của người ta thì mình phải biết bao người ta trước”. Nghe vậy cậu ta liền thanh toán bữa ăn sáng cho cả nhóm. Sáng hôm sau chúng tôi tản ra, mạnh ai nấy ăn. Cậu ta không biết theo ai, than với một bạn khác: “Sao kỳ vậy? Hôm qua tui bao rồi mà”. Anh bạn đó trả lời: “Ai biết đâu. Tại người này thích món này, người kia thích món kia thôi”. Sau đó bọn tôi gặp nhau cười khoái chí.
Có lần tôi theo anh bạn đi xem nhà để mua, ông chủ đang dẫn chúng tôi xem phòng này phòng nọ thì bất ngờ thằng em trên lầu đi xuống, quát:
▪︎ Tao nói rồi. Mày mà bán căn nhà này thì không yên với tao đâu. Ai vô đây, tao chém hết.
Ông chủ tiễn chúng tôi ra cổng, than:
▪︎ Thằng mất dạy đó vợ chồng tôi nuôi từ nhỏ. Hai mươi mấy năm ở đây, nó tưởng nhà này nó cũng có phần.
Chúng tôi cũng không quan tâm đầu đuôi, thực hư câu chuyện mà chỉ vì sợ quá nên rút dù ngay.
Ở quê tôi có bà kia độ khoảng bốn mấy năm mươi tuổi, tự nhiên có lòng tốt qua hàng xóm trông con dùm chị nọ bận buôn bán cả ngày ngoài chợ. Tính ra bà cũng giúp được ba, bốn năm. Một hôm đứa nhỏ chạy giỡn, bất ngờ đâm sầm vào bà ngay lúc bà đang xách ấm nước sôi, thế là bị bỏng. Vào bệnh viện, bác sĩ nói chỉ bị nhẹ. Bà đến thăm, bị chị hàng xóm đuổi về, còn bảo: “May mà thằng nhỏ không sao, chứ nếu không bà không yên với tôi đâu”. Bà thất tha thất thểu ra về, than thở với hàng xóm:
▪︎ Giữ con cho nó mấy năm trời, không một tiếng cám ơn.
Kẻ vô ơn thật đáng trách biết bao. Tôi nghĩ có lẽ đó là bản chất sẽ tồn tại cả đời, khó lòng thay đổi. Những kẻ như thế chắc chắc sẽ bị mọi người xa lánh, xã hội ruồng bỏ. Cuộc đời họ có thể sẽ không thiếu thứ gì, chỉ thiếu hạnh phúc.
Đọc trên mạng có câu chuyện “Xử kẻ vô ơn” sau đây rất hay, xin kể lại hầu các bạn:
Một người làng chài lương thiện thật thà, làm ăn trên một khúc sông kia. Về mùa lũ, nước sông đổ về cuồn cuộn. Một lần ngồi trên thuyền, anh ta nghe tiếng kêu cứu rất khẩn cấp, vội chèo thuyền tới nơi, thấy một người đang sắp chết đuối, vạn phần nguy cấp. Anh ta vội vàng thò cây sào xuống cho người bị nạn bám lấy leo lên thuyền. Song do hấp tấp, đầu bịt sắt của cây sào đâm vào mắt người bị nạn. Cái sống, cái chết gần kề nên người bị nạn chịu đau, cố trèo lên thuyền. Sau khi được sưởi ấm, thay quần áo khô và băng bó vết thương cẩn thận, người ấy hồi phục. Song hắn lại đổi ân thành oán, bắt đền con mắt bị thương kia. Anh làng chài lúng túng không biết xử trí ra sao. Người bị nạn liền đâm đơn đi kiện.
Gặp vụ kiện, quan huyện cũng rất đau đầu. Đứng về lý thì anh thuyền chài chọc thủng mắt anh kia. Người bị nạn lại không biết điều, không nhớ ơn người cứu mạng mình nên không thể phân giải bằng tình được. Hắn lại đòi, nếu không bồi thường được con mắt thì anh làng chài phải đi ở suốt đời cho hắn, bởi vì hắn không thể làm lụng được nếu không có con mắt.
Quan suy nghĩ mãi, đọc các sách để tra cứu cách xử tốt nhất, dạy cho kẻ vô ơn một bài học nhớ đời. Cuối cùng, quan tìm được một cách. Tại công đường, quan hỏi anh làng chài:

  • Sao anh lại làm bị thương con mắt của hắn?
    Người làng chài lúng túng chưa kịp trả lời thì tên kia đã nhanh nhẩu:
  • Tôi đang ở dưới nước, nó lấy sào đâm xuống làm con mắt của tôi bị hỏng.
    Quan hỏi tên bị hỏng mắt:
  • Sao bảo lúc đó anh sắp chết đuối giữa dòng?
  • Không phải! Lúc ấy tôi ở giữa dòng nước chứ không phải sắp chết đuối.
    Quan bảo người làng chài:
  • Vì anh làm mắt hắn bị thương, vậy anh phải làm lại con mắt hắn lành như cũ.
    Quan lại hỏi người kia:
  • Lúc anh chìm dưới nước, mắt đã bị thương chưa?
  • Còn tốt nguyên!
    Bấy giờ quan mới phán:
  • Vậy thì, thầy Đội! Thầy hãy cho lính quẳng tên này xuống chỗ hắn sắp chìm để anh làng chài tìm cách chữa cho hắn. Nếu không chữa được ta sẽ bắt tội.
    Thấy thái độ quan kiên quyết, anh chột mắt sợ quá, nếu bị ném vào dòng nước ấy thì còn gì nữa mà chữa nên xin rút đơn.
    Quan sai lính đánh cho ba chục roi về tội vô ơn.

Lời bàn:
Theo triết gia Aristote thì “Lòng biết ơn là đức tính khởi đầu cho mọi đức tính”. Chính nhờ có lòng biết ơn mà trong gia đình có sự hiếu đễ, thuận hòa; trong xã hội có sự tận trung báo quốc, giữa con người có lòng tín nghĩa thủy chung, rộng hơn nữa là tình đồng bào đồng loại, đòi hỏi sự cảm thông chia sẻ. Thế nhưng có lắm kẻ không học được bài học khởi đầu là lòng biết ơn nên mới có hiện tượng “ăn cháo đá bát”, quên người đã cứu sống mình trong cơn hoạn nạn.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: “Có người nói, các bạn trẻ ngày nay thích làm nhánh cây vươn cao để đón ánh mặt trời, nhưng lại vô tư, vô tâm, đón nhận những chất dinh dưỡng từ rễ cây đưa lên mà quên nguồn gốc đó. Nên nhớ, những cành lá tốt tươi vươn cao bao giờ cũng phải được vun bồi từ gốc rễ. Nếu bạn không biết ơn, sẽ như một cành cây khô héo, ngày nào đó sẽ trụi lá, xác xơ… Bao giờ, ở đâu hay ở thời đại nào cũng vậy, hành vi vô ơn luôn đáng bị lên án!”.

(08/4/2021)

Gửi bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s