Nỗi lo của người mẹ

Bé chỉ thích chơi một mình, đó là một điều khá đặc biệt đối với một đứa trẻ. Bé có thể chơi hàng giờ với những chiếc ô tô đủ loại, từ xe con, xe tải, xe container đến xe xúc đất, xe cứu thương, xe cảnh sát…Thỉnh thoảng bé lại tháo ra rồi tìm cách ráp lại để “nghiên cứu”. Tất cả đều do mẹ của bé mua cho. Đi mẫu giáo thì thôi, ở nhà là bé lại chơi xe, xem hoạt hình hoặc lên Youtube học tiếng Anh, học đếm số. Muốn mượn điện thoại mẹ, bé lại bảo:
▪︎Mẹ nhắn tin đi mẹ. Xong rồi cho Tí mượn điện thoại nha.
Nói nghe thấy thương quá, mẹ bé nói:
▪︎Mượn chút thôi nha.
Có khi bé nhìn điện thoại mẹ đang sạc pin, kêu lên:
▪︎Mẹ ơi, điện thoại 100 phần trăm pin rồi nè. Cho Tí mượn chút nhé.
Năm nay bé lên 5 tuổi rồi, cao hơn nhưng gầy hơn. Bé rất thích đi học, sáng dậy sớm thay đồ, đeo cặp, chờ bà ngoại chở đến trường. Hôm nào sắp đi mà trời mưa thì cứ đi ra đi vào, bồn chồn lo lắng. Bé giỏi quá, tự học nói tiếng Anh trên Youtube, phát âm rất chuẩn, tất nhiên chỉ là những câu ngăn ngắn. Trong nhà, ai đọc sai là bé sửa liền:
▪︎Không phải đâu, đọc vầy nè…
Cô giáo kinh ngạc nói với mẹ bé:
▪︎Trời ơi, bé nói tiếng Anh chuẩn quá.
Bé đã quen chơi một mình từ nhỏ vì ba mẹ đi làm xa gửi bé cho bà ngoại, cuối tuần mới về thăm. Khi có mấy đứa bé khác đến chơi, bé cũng vui lắm nhưng cứ một lúc lại có chuyện, vì giành đồ chơi, vì bấm ti vi qua kênh khác…Bé khóc một tí rồi lại chơi tiếp, một mình. Chơi một mình, bé thích nghêu ngao hát một bài gì đó tiếng Anh nghe chưa rõ lắm.
Bé nói năng rất lễ phép, luôn có chữ “dạ” đầu câu. Tuy vậy ở nhà ai cũng nói bé lỳ, kêu đừng làm này làm nọ mà như không nghe thấy. Ở nhà nói vui rằng bé giỏi tiếng Anh nên chưa rành tiếng Việt. Mà thật vậy, bé nói tiếng Anh nhanh và chuẩn còn phát âm tiếng Việt thì chậm và “tức cười”. Ví dụ như:
▪︎Ba nó đâu rồi mẹ? (Ba con đâu)
▪︎Mẹ ơi nó ăn hết quả táo rồi. Ngon quá.
Một hôm mẹ bé mang về quyển Tập làm toán, kêu bé thực hành. Bé ngồi làm, một lúc sau đi nằm nghỉ. Mẹ bé thấy vậy nói:
▪︎Sao không làm toán đi con?
Bé bảo:
▪︎Tí nghỉ mệt chút nha mẹ.
Mẹ bé xem quyển toán, thì ra bé đã làm rất nhiều bài, hết gần phân nửa. Mẹ bé hết hồn nói với cả nhà:
▪︎Trời ơi, thằng Tí nó làm gần hết quyển toán rồi, mà bài nào cũng đúng. Tội nghiệp con tôi, hèn gì kêu mệt, đi nằm.
Bé hay quấn quít bên tôi mỗi khi tôi về chơi, ngồi vào lòng, đeo lên lưng, nắm tay dẫn tôi vào chơi với bé. Bé thích trùm mền để tôi kêu lên “Ma nè” rồi cười nắc nẻ. Bé thích đố:
▪︎Xe này là xe gì?
▪︎Xe tải.
▪︎Hổng phải, là xe container đó. Còn xe này là xe gì?
▪︎Xe cần cẩu.
▪︎Hổng phải, là xe xúc đất. Ha ha…
Lúc trước bé hay đòi điện thoại, không cho là khóc. Gần đây lớn thêm tuổi, đòi không được thì thôi, kiếm thứ khác chơi.
Cả nhà ai cũng lo, nhất là mẹ bé. Bé phát triển nhanh quá, khôn trước tuổi, không biết phải làm sao đây. Cho học trường nước ngoài thì không đủ điều kiện. Ở nhà không ai đủ khả năng dạy bé. Bên Mỹ, trẻ em được kiểm tra chỉ số IQ (chỉ số thông minh), cho các bài kiểm tra trí tuệ để phát hiện thần đồng, những đứa trẻ tài năng xuất chúng. Thần đồng là mỹ từ dành cho những người có trí tuệ xuất sắc, khả năng giỏi ở một hay nhiều lĩnh vực, thường được phát hiện khi họ dưới 15 tuổi. Có hàng trăm thần đồng trên thế giới được và chưa được ghi danh trong sách kỷ lục Guinness. Đọc trên mạng tôi thấy có đứa bé mới 9 tuổi đã thi đỗ vào đại học.
Tí có phải là thần đồng không, tôi không dám chắc. Nhưng một đứa trẻ tuổi mới lên 5 mà tự học phát âm chuẩn tiếng Anh, đếm số bằng tiếng Anh đến con số hàng ngàn, hàng triệu và làm toán cộng cực nhanh bằng phương pháp tính nhẩm, tôi cho đó là chuyện hy hữu. Vấn đề là làm cách nào để tiếp tục cho bé phát triển, tránh sự thui chột tài năng.

(30/3/2021)

Gửi bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s